Giáo sư – Viện sĩ Ngô Xuân Bính: Khi kiến thức, sự chiêm nghiệm đã đủ vuông tròn

Những người yêu võ thuật cổ truyền Việt Nam hẳn không thể không biết võ sư Ngô Xuân Bính. Nhưng võ thuật chỉ là một phần trong con người đa tài này. Từ tinh hoa của võ thuật cổ truyền võ sư đã phát triển thành những công trình khoa học y học dân tộc, trị bệnh cứu người.

Nhưng đó cũng chưa phải là điểm dừng của một người luôn ăm ắp trong tâm hồn tình yêu con người, yêu quê hương, đất nước, yêu văn hóa truyền thống dân tộc mà đỉnh điểm thăng hoa có lẽ là thơ! Những câu thơ bật ra từ dòng chảy tâm hồn cùng sự chiêm nghiệm từ đời sống đủ vuông tròn đã làm rung động cảm xúc không ít nhạc sĩ thành danh của nước nhà như Trần Tiến, Phú Quang, Nguyễn Cường, Đức Trịnh… để họ háo hức thổi vào đó những giai điệu thấm đẫm tình yêu.
GS – VS Ngô Xuân Bính và GS – Anh hùng Lao động Vũ Khiêu.

1. Qua “cầu nối” của phóng viên Bích Vân (Đài TH Việt Nam) lần đầu tiên chúng tôi gặp Giáo sư -Viện sĩ (GS-VS) Ngô Xuân Bính khi ông vừa từ nước Nga trở về Hà Nội, đang cùng các học trò tất bật chuẩn bị cho đêm nhạc “Ân khúc – Giao hòa” ra mắt lần đầu tiên tại Nhà hát Lớn. Cả nhóm chúng tôi gần như “choáng ngợp” trước kho kiến thức đồ sộ của ông từ võ, đến y, rồi thơ và nhạc nên cứ loay hoay không biết bắt đầu góp nhặt tư liệu cho bài viết của mình từ đâu. Bởi, mở đầu câu chuyện giới thiệu về ông phóng viên Bích Vân vui tính bật mí rằng: “Sẽ là quá tốn mực của các anh chị phóng viên khi viết hết chức danh của thầy”. Vì ông vừa là võ sư sáng lập ra môn phái Nhất Nam danh tiếng, vừa là “Giáo sư y học dân tộc” do Hiệp hội Y học dân tộc Nga (RANM) trao tặng và cũng là người được Viện Hàn lâm Khoa học tự nhiên Châu Âu phong hàm Viện sĩ; Viện sĩ danh dự của Viện Hàn lâm Nghệ thuật Nga…

Ở lần gặp thứ hai trong không gian ấm cúng tại tư gia của GS-VS Ngô Xuân Bính, chúng tôi chìm đắm trong thơ và nhạc. Nhạc sĩ không chuyên Trần Phú Cử đã ôm cây đàn ghi ta hát những ca khúc do chính mình phổ nhạc từ thơ của ông, cuốn theo những giai điệu “…Mình ông một cánh đồng/Trăm ngàn tượng tắm gió/Trăm ngàn tượng tắm nắng/Bàn tay bè đầy sẹo/Ông cười nhai nhóm nhém…; Gặp em yêu trên bãi/ Có con còng cầm tay/Anh đùa anh cũng giống… con còng trên tay em…”. Và tất nhiên, thật khó để không nhắc đến thơ Ngô Xuân Bính trong bài viết của mình. Nhiều người trong chúng tôi đã rất băn khoăn không biết ông phân chia và sử dụng thời gian ra sao để có thể nuôi dưỡng cảm hứng thi ca giữa bộn bề công việc: Nghiên cứu y học dân tộc, viết bộ sách đồ sộ “Tăng huyết áp các chứng liên đới” (đã từng xác lập kỷ lục Việt Nam); rồi phát triển môn võ Nhất Nam tại nước ngoài với bộ sách “Nhất Nam căn bản” (5 tập) hướng dẫn võ thuật từ căn bản tới nâng cao… GS-VS Ngô Xuân Bính lý giải: Tôi nghiên cứu khoa học, nhưng khoảng thời gian cho thơ ca thì không chia theo “kiểu khoa học” được. Những gì của thơ ca là rất tự nhiên, nó là những thúc bách của tâm hồn. Những nơi tôi đã đi qua, những gì tôi đã trải nghiệm, cùng với thời gian dài dồn nén của cảm xúc khiến cho sự chiêm nghiệm đời sống và tri thức hòa quyện đủ đầy, đến một ngày, không thể không viết. Có lẽ là vậy nên khi cảm xúc hội tụ rồi thăng hoa làm cho thơ bung nở, để rồi 7 tập thơ với số trang không hề ít ỏi lần lượt ra đời.

Thú thực, dù không thật hiểu về thơ, nhưng khi cầm trên tay tập “Cánh đồng thao thức” – một trong 7 tập thơ GS-VS Ngô Xuân Bính tặng, tôi cảm nhận rằng, khi đọc thơ ông nếu dành thời gian chiêm nghiệm sẽ rõ được ý tứ chứa đựng bên trong, vừa sâu xa, vừa gần gũi. Nhạc sĩ Huy Thông, cố vấn đêm nhạc “Ân khúc – Giao hòa” nói: Thơ của GS-VS Ngô Xuân Bính không dễ đọc và không phải ai cũng có thể cảm nhận được. Ở đó có sự dồn nén tình yêu quê hương, đất nước, ăm ắp truyền thống văn hóa dân tộc. Và cái hay, cái độc đáo là trong mỗi bài thơ đều có sẵn tính nhạc, đến đầy ắp hơi thở cuộc sống, nên không khó để các nhạc sĩ phổ thơ.

2. Với GS-VS Ngô Xuân Bính, truyền thống văn hóa Việt Nam phải luôn ăm ắp trong tâm hồn thì người dân Việt khi xa quê, định cư, công tác tại nước ngoài mới có nhiều động lực để phấn đấu, góp phần làm sáng danh quê hương, đất nước nơi mình được sinh ra. Bộ sách võ “Nhất Nam căn bản” với hai tập đầu tiên đã được ông hoàn thành từ năm mới 20 tuổi. Hiện nay, bộ sách này đã được hoàn thiện với 5 tập. GS-VS Ngô Xuân Bính nói rằng, bộ sách là tâm nguyện, ý thức và tấm lòng của ông khi đã thẩm thấu sâu sắc truyền thống lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Nền văn hóa giàu bản sắc cũng như truyền thống thượng võ của người Việt đã tạo nên cốt cách của một dân tộc nhỏ bé nhưng luôn kiên cường trong công cuộc bảo vệ toàn vẹn của lãnh thổ. Càng đi sâu vào nghiên cứu, phát triển môn phái võ cổ truyền Nhất Nam ông càng rõ hơn tính kỷ luật, quy môn, những giá trị của năng lực tự rèn luyện và lòng tự trọng, tự tôn dân tộc của cha ông ta để lại. Vì thế, với những người có trí tuệ, có nhân cách thì việc tập võ công như chắp thêm cánh cho họ trong bước đường công việc cũng như sự thành công sau này.

Có lẽ mối giao hòa giữa đam mê nghiên cứu khoa học và cảm xúc thơ ca, tình yêu võ thuật cổ truyền đã giúp GS-VS Ngô Xuân Bính có đủ trí lực hoàn thành, chắp cánh cho bộ sách đồ sộ gồm 3 tập, mỗi tập gần 1.500 trang – “Tăng huyết áp các chứng liên đới” (Chuyên khoa châm cứu) bay xa, bay cao trên bầu trời y học. Đây là công trình khoa học ông đã dành tâm huyết và công sức trong suốt 20 năm. Giá trị mới và lớn nhất của công trình được giới chuyên môn đánh giá cao ở tính độc đáo chính là luận điểm khẳng định sự dịch chuyển của đường kinh – huyệt đạo thay đổi khác nhau trên cơ sở chứng bệnh khác nhau của từng căn bệnh. Đây là phát hiện đầu tiên thay đổi hoàn toàn nguyên tắc dò huyệt, xác định đúng vị trí của huyệt, tìm ra sự phối hợp hệ thống dẫn châm hợp lý đúng cho từng ngày, từng đợt điều trị cho từng bệnh nhân cụ thể, chứng bệnh cụ thể.

Ăm ắp tình yêu thơ ca, võ thuật cổ truyền, say mê nghiên cứu khoa học nhưng GS-VS Ngô Xuân Bính cũng đầy trăn trở, lo toan với cuộc sống đời thường. Ông bảo, cùng lúc bận nhiều công việc là vậy nhưng không thể lơ là với con cái, phải dành thời gian để giáo dục truyền thống văn hóa Việt Nam cho các con. Chẳng thế mà cậu con trai của ông dẫu rất “tây” khi mang hai dòng máu Nga – Việt nhưng mỗi khi đi học về đều đứng nghiêm “con chào bố”!. Trong một bài trả lời phỏng vấn báo chí, GS-VS đã nói rằng: “Càng đi sâu nghiên cứu khoa học, viết sách, tôi càng ý thức và nhận định được chính sách – quốc sách về vấn đề con người của một quốc gia quan trọng đến thế nào… Chính sách lớn của một quốc gia phải tính đến rất nhiều yếu tố, đặc biệt làm giàu và phát triển kinh tế – xã hội, nhưng chính sách về con người (trồng người) cũng phải tính ngay từ ngày hôm nay và luôn cả sau này…”. Vậy nên, chúng tôi hiểu vì sao khi nói chuyện về nghiên cứu khoa học, về văn hóa, tình hình kinh tế thế giới say mê là thế GS-VS Ngô Xuân Bính vẫn quay lại với những trăn trở, lo toan về vấn đề giáo dục truyền thống văn hóa cho giới trẻ Việt Nam. Ông kể rằng, khi sống và làm việc ở nước ngoài nhiều năm ông càng thấm, càng hiểu việc giữ gìn, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc quan trọng đến mức nào. Việc giữ gìn, phát huy, khuyến khích chuyển giao những giá trị văn hóa truyền thống của cha ông cho thế hệ trẻ cũng là giúp thế hệ trẻ biết quý trọng, tự hào về đất nước, dân tộc mình, từ đó giúp họ sống có trách nhiệm cao hơn với cộng đồng, xã hội.

(Theo hanoimoi.com.vn)

Leave a comment