“Đi như một dòng sông”
nguoidothi.net.vn – Ngày 30.5 triển lãm nghệ thuật đương đại mang tên Niệm (*) của các họa sĩ Lê Văn Thìn, Ngô Xuân Bính, Đặng Tin Tưởng khai mạc tại Bảo tàng Hà Nội. Cả ba “vừa quen vừa lạ” với công chúng nghệ thuật. Bài này xin được nói đôi chút về vài vẻ “lạ” của họa sĩ Ngô Xuân Bính.
Dùng ngôn từ để diễn đạt hội họa hay âm nhạc… luôn là việc dường như bất khả, do mỗi loại hình nghệ thuật đã có tiếng nói tự thân của chúng. Vậy chỉ nên xem bài này như một cách bày tỏ nhận biết riêng của người viết trước cả ngàn bức tranh, trong đó có hơn 300 bức sơn mài khổ lớn, một kỷ lục rất hiếm người làm nổi.
Náu mình & Năng lượng
Gần ba năm trước tôi đến nơi vẽ của họa sĩ Ngô Xuân Bính, trời âm u như tiết xuân dài năm nay của miền Bắc. Một căn hộ ở Royal City rộng đến mấy cũng khó gọi là xưởng vẽ, nó thiếu sáng quá, trừ một phòng có ban công là chỗ đặt giá vẽ tiếp xúc với bầu trời Hà Nội suốt ngày xám đục.
Gọi là kho chứa thì đúng hơn, tới lúc đó ông đã có chừng 400 bức sơn dầu, lụa, đều khổ lớn xếp chồng chất trong các phòng ngột ngạt mùi sơn.
Để bạn bè xem tranh, ông len lỏi giữa đống tranh chất ngất khuân từng bức ra chỗ có ánh sáng, nếu mỗi bức cần vài phút, có lẽ phải mất cả ngày chỉ để xem lướt. Choáng váng, tôi cảm thấy vậy, có nhiều bức đẹp bất ngờ nhưng chỉ mới chạm mắt, ông đã kịp thay nó bằng bức khác. Chúng tôi buộc phải nhìn thật nhanh nên hầu như không nghe ông nói gì, chỉ biết ông nói liên tục, hình như đang kể lan man vô tận về trạng thái của mình khi vẽ. Giống người lên đồng đã thăng đâu đó, bỏ quên mọi người quanh mình, điều mà ông tự gọi: “Bằng xương, bằng thịt, hình hài hồng hiện: tự sướng, tự khoái… Máu chảy rần rật…”. Cuộc độc thoại dài dặc của một người đang ẩn náu, tôi nghĩ thế, trong khung cảnh thời tiết âm u và căn hộ ánh sáng yếu.
Lần thứ hai, ông mời xem tranh ở sân vận động Mỹ Đình. Tôi đã tưởng được đến chỗ chan hòa nắng gió, nhưng lại là căn hầm dưới khán đài sân vận động không ánh sáng trời và ông cũng đã kịp làm xong cả trăm bức sơn mài khổ lớn. Một khối lượng lao động làm ta kinh ngạc.
Chỉ đến lần thứ ba, ông thuê mặt bằng để vẽ trong vườn nhà văn hóa khu đô thị Linh Đàm tôi mới được xem ông thực hiện gần 400 bức sơn mài, sơn dầu đều cỡ đại (nhiều bức tới 2,4×1,6m) dưới ánh sáng mặt trời. Dày đặc năng lượng là điều tôi nhận được khi xem hàng trăm bức trừu tượng (abstract) của ông ở giai đoạn sáng tác này.
Vẽ nhanh như trẻ thơ, như những gì chợt đến, chợt xảy ra, thậm chí chưa kịp xảy ra theo cách chúng ta vẫn mường tượng… vậy mà chúng lại tuôn trào không ngừng từ đủ loại dụng cụ ông dùng (bút, thép, mo, dao, bay, đá mài, máy mài…) để làm thành tranh. Một phần trong số tác phẩm đó đã được trưng bày trong triển lãm mang tên Du & Dội tại Hà Nội hè năm 2017.
Con sông đi
Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng nói: “Đi như một dòng sông”, tuy không tiếp nhận hoàn toàn những dẫn giải minh triết của thiền sư với hình ảnh này, nhưng thỉnh thoảng nó lại vang trong tâm trí tôi mỗi khi gặp sự kiện nào đó hàm chứa thời gian.
Lần thứ tư đến xưởng vẽ của họa sĩ Ngô Xuân Bính ở làng Đan Nhiễm (Văn Giang, Hưng Yên) sau gần hai năm ông làm cuộc triển lãm Du & Dội, câu ấy lại trôi về trong hình ảnh một con sông đi. Và tôi lại giật mình khi thấy ông đã có tới hơn 400 tranh mới trong xưởng vẽ rộng cả ngàn mét vuông được thiết kế đủ ánh sáng.
Bằng hội họa, ông đi như dòng sông.
Ở triển lãm Du & Dội, tổng thể hiệu quả thẩm mỹ như hình ảnh con sông phía thượng nguồn chảy trên độ cao vượt thác dốc trút xuống ầm ầm năng lượng. Mọi nguồn cơn rung cảm tạo ra trên mỗi bức tranh phát nghĩa từ các mảng màu sắc vô định hình, hoặc không cả ý nghĩa, thình lình nhảy vào tranh ông, chỉ do chúng gọi nhau, màu gọi màu, nét gọi nét, suy tưởng gọi suy tưởng, tề tựu. Thậm chí có thể là cách ông tổng lực tống ra năng lượng lúc bị dồn nén lên các mặt tranh…
Sang tới Niệm, con sông ấy bớt cuồng nộ, đang tiến xuống đồng bằng vừa nhận và cho đôi bờ phù sa của nó. Không gian Bắc Bộ, tôi cảm thế, thấm bảng lảng vào những mảng son thắm, son trai, hoàng thổ, than đen, trắng ngà, hay bất giác vụt xanh óng ả… trong nhiều bức sơn mài của ông.
Năng lượng lần này cô đọng hơn, nén trong cách ông lập hình run rẩy, dữ dội, và ma mị. Chùa, đình, đền, miếu… hình ảnh các không gian tâm linh, những nghi lễ cổ sơ của người Việt dường như thấp thoáng ẩn hiện trên đôi bờ con sông đang về với đồng bằng.
Con sông nghệ thuật ấy còn như vừa dâng lớp phù sa non mướt cho đồng bãi từ đêm trước trong các hình ảnh gợi xúc cảm phồn thực mà lần đầu tôi bắt gặp ở các thân thể đàn bà lực lưỡng trong tranh ông. Chúng bật ra từ lối tạo hình dường như không muốn chặt chẽ, không chịu kiểm soát, buông tuồng và phóng đãng, nếu có thể gọi vậy.
Những khoảng trắng da thịt tinh khôi, hoặc vàng rực nồng nàn, hay cháy đỏ man dại… đều phô bày trần trụi, không chút lưỡng lự. Mỹ cảm của họa sĩ tựa sức cuốn hút của dòng sông vạm vỡ chở nặng phù sa đang trùng trùng trườn lên, chứ không phải con sông hiền hòa trong trẻo, lững thững thả mình về xuôi.
Họa sĩ Ngô Xuân Bính quẫy mình trong con sông nghệ thuật của mình, con sông tự ông dữ dội xông phá tìm đường chảy cho hai chi lưu của nó: Thiêng – Phàm / Tâm linh và Thế tục. Con sông ấy đầy năng lượng, sung mãn những hứa hẹn lớn.