Vẻ đẹp – bình an

Thế nào là đẹp…? Rất đơn giản: Một bức tranh đẹp giống như một người phụ nữ đẹp! – Nó luôn dấy lên trong tôi lạc thú thưởng ngoạn và ham muốn chiếm đoạt.

Tôi thật sự bất ngờ vì lời đề nghị của ông Ngô Xuân Bính họa sĩ “Em viết anh một bài cho cuốn sách triển lãm tới nhé”. Bất ngờ bởi vì các họa sĩ làm sách triển lãm thường mời những nhà phê bình mĩ thuật, người danh tiếng có chỗ đứng trong nền mĩ thuật viết lời tựa, nhưng tôi chỉ là một người yêu tranh.

Thời này không còn nhiều họa sĩ nghĩ đến người sưu tập và công chúng nữa (họ chỉ chăm chắm triển lãm có thành công hay không, có bán được nhiều hay không). Đa số là họ áp đặt tư tưởng ích kỷ của họ vào tác phẩm và mặc định là đẹp…

Tôi đã yêu tranh và sưu tập tranh gần 40 năm và đã trả giá cho sự đam mê của mình không ít. Có những bức tranh khi thích thì mua và mua bằng sự thuyết pháp của họa sĩ. Và cuối cùng không muốn nhìn nó nữa… Sau từng ấy năm sưu tập thì nhận ra một điều: Nghệ thuật vì nhân nó đơn giản dễ hiểu.

Triển lãm của họa sĩ Ngô Xuân Bính

Ngô Xuân Bính vì điều đó ông đã tìm thấy sự giàu có về hình ảnh, ông đặt những ví von, ca dao, thành ngữ… Vào trong hội họa nhưng nó đúng một cách lạ lùng, một sự đơn giản hướng tới những tốt đẹp.

Cho dù họa sĩ có vẽ gì đi nữa thì nhìn tranh ông vẫn tìm thấy ngôn ngữ hình ảnh bình dị của nhân dân, nó lành như đất, ngọt như nước suối trong núi chảy ra.

Người mua tranh đầu tiên đa phần là thấy thích, rồi tự làm sang cho mình khi có các tác phẩm. Đâu cứ phải anh mua sách về là anh đã có kiến thức, anh phải đọc, phải ngẫm ngợi. Sự sang trọng nằm ở kiến thức chứ không phải cuốn sách nằm trên giá hay tác phẩm hội họa treo trong nhà mình.

Họa sĩ Ngô Xuân Bính

Có lẽ vậy họa sĩ Ngô Xuân Bính hiểu cần làm gì, cần vẽ ra sao, ông đã lao động, đã làm việc và làm việc. Cảm xúc hội họa trong mỗi tác phẩm đã xuất hiện trong lao động. Cảm xúc của ông rất sang trọng. Tôi kính nể sự lao động của ông trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Có người nói ông nhiều nhà (võ sư Chưởng môn phái Nhất Nam – Giáo sư Viện sĩ người Việt tại Nga – Bác sĩ – Họa sĩ…)

Theo quan điểm của tôi, người nghệ sĩ cần có trình độ cao nhất của thời đại mình. Chính vì thế không một kẻ dốt nát nào, không một gã ích kỷ nào có thể trở thành nghệ sĩ lớn cả.

Ngô Xuân Bính ông luôn ám ảnh về đạo đời, nhân sinh quan và ông giải quyết ám ảnh đó bằng cách phô diễn thành tác phẩm, mọi lo toan về danh tiếng lợi lộc không có trong tác phẩm của ông!

Vì sự giới hạn của bài viết, chỉ tiếc tôi không đủ khả năng để nói hết cảm nhận của mình về sự sáng tạo lao động nghệ thuật của Ngô Xuân Bính.

 

Leave a comment