Ngô Xuân Bính và những điều rất lạ…

Giáo sư, viện sỹ, bác sỹ, võ sư, thi sỹ, họa sỹ… là những từ gắn với Ngô Xuân Bính khi tìm kiếm thông tin về ông trên internet.

Ông được gọi là một “kỳ nhân” khi tham gia nghiên cứu thành công và được nhiều người biết đến trong nhiều lĩnh vực khác nhau như hội họa, thơ, y học, võ thuật, âm nhạc. Điều rất lạ ở Ngô Xuân Bính là dù tham gia nghiên cứu ở lĩnh vực nào ông cũng đều thành danh với những công trình, tác phẩm nổi tiếng…

Sống hết mình vì đam mê!

Đa tài là thế, kỳ lạ là thế, nhưng ai gặp ông đều cảm nhận được đức tính khiêm nhường, sự giản dị chân thành và có phần hơi kiệm lời. Cuộc đời Ngô Xuân Bình như một cuốn tiểu thuyết ly kỳ, càng đọc càng cuốn hút, đặc biệt chất “nghệ” vẫn thấm đẫm nơi ông.

Ngô Xuân Bính sinh năm 1957, tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Ông là giáo sư, viện sỹ người Việt tại Nga. Hiện ông là Ủy viên Ủy ban Liên bang Nga về chăm sóc sức khỏe cộng đồng, là Chủ tịch Liên đoàn võ Nhất Nam ở Liên bang Nga và châu Âu.

Ngô Xuân Bính nổi danh trong rất nhiều lĩnh vực, là võ sư sáng lập môn phái võ Nhất Nam, là một thầy thuốc giỏi trong việc sử dụng y học dân tộc để chữa bệnh cho một số lãnh đạo các nước.

Giáo sư, viện sỹ, bác sỹ, võ sư, thi sỹ, họa sỹ Ngô Xuân Bính

Về võ thuật, ông đã xuất bản 5 tập “Nhất Nam Căn Bản”. Về Y học, ông đã xuất bản “Bộ sách châm cứu nhiều trang nhất”, được xác lập Kỷ lục gia Việt Nam. Về hội họa, ông là họa sỹ chuyên vẽ tranh sơn dầu với nhiều tác phẩm vẽ như  “lên đồng” để đời. Nhiều triển lãm tranh của ông đã diễn ra ở Liên bang Nga và Việt Nam. Ông đạt giải ARTIADA – Giải xuất sắc của Triển lãm Nghệ thuật tại Liên hoan Nghệ thuật tổng hợp quốc tế lần thứ 7 tại Matxcơva.

Năm 2008, ông đạt giải xuất sắc và được bình chọn là một trong 10 hiện tượng hội họa tại Triển lãm quốc tế lần thứ 2 ở Matxcơva. Trong lĩnh vực văn, thơ và âm nhạc, Giáo sư, Viện sỹ Ngô Xuân Bính đã viết 7 tập thơ với hàng nghìn bài nhiều thể loại. Tại đêm thơ nhạc “Ân khúc giao hòa” của Ngô Xuân Bính được tổ chức tại Nhà hát lớn Hà Nội năm 2015, ông đã được xác lập kỷ lục “Tập thơ dài nhất Việt Nam”. Một số bài nổi tiếng như Đêm thanh lắng, Huế một lần gặp, Nỗi nhớ quê, Nếp hương, Mùa thu vàng lao xao, Thả thuyền bến Mơ, Hà Nội trong tôi, Tượng nhà mồ… vẫn được lan truyền và trở thành những ca khúc nổi tiếng trong âm nhạc.

Với sự cống hiến của mình, Ngô Xuân Bính đã được vinh danh “Giáo sư y học dân tộc” do Hiệp hội Y học dân tộc Nga (RANM) trao tặng; Được phong Viện sỹ – Viện Hàn lâm Khoa học tự nhiên châu Âu;  “Thành viên danh dự” của Viện Hàn lâm Nghệ thuật Tạo hình Liên bang Nga (ở thời điểm được phong chỉ có 2 người nước ngoài được nhận danh hiệu này); Giải thưởng y học quốc tế “Nikolay Pirogov” đồng được trao tặng Huân chương cao quý vì những đóng góp “Lớn lao và đặc biệt” cho sự nghiệp Y học quốc tế. Họa sỹ Ngô Xuân Bính từng 2 lần triển lãm tranh cá nhân ở Minsk (Belarus), 3 lần ở Moscow (Liên bang Nga). Ông từng giành giải thưởng quốc tế Liên hoan nghệ thuật tổng hợp Artiada tại Moscow, năm 2006.

Là người đa tài, ở bất kỳ lĩnh vực nào Ngô Xuân Bính cũng để lại những tiếng vang lớn.. Vì thế, gọi ông là giáo sư, viện sỹ, “kỳ nhân”, người đàn ông thành đạt, người đàn ông kỳ lạ… vẫn là chưa đủ. Và trong những năm gần đây, danh xưng Họa sỹ Ngô Xuân Bính bắt đầu gắn chặt vào ông với những cuộc triển lãm nổi bật.

Trả lời cho sự khác lạ của mình, ông Ngô Xuân Bình giải thích: “Mỗi người đều có những sở thích khác nhau. Khi tôi yêu một thứ gì đó thì sẽ dành hết quỹ thời gian và sống hết mình vì chúng. Đơn cử như trong hội họa, từng nét vẽ là từng tâm tư, tình cảm tôi gửi vào đó… Trong sáng tác tranh sơn mài đòi hỏi người nghệ sĩ phải có sự bền bỉ trong cảm xúc và kiên nhẫn trong lao động nghệ thuật. Đã là nghệ thuật thì phải có cá tính riêng không trộn lẫn. Tôi luôn theo dõi từng dòng chảy của hội họa và tự tìm cho mình một lối riêng. Tranh sơn mài với tôi là tình yêu. Chính tình yêu này mang cho tôi nhiều xúc cảm để tạo ra sự đột phá khác biệt”.

Luôn “quẫy” mình trong con sông nghệ thuật

Triển lãm mang tên “Du & Dội” diễn ra trong suốt hai năm 2017 và 2018 là triển lãm lớn nhất của họa sỹ Ngô Xuân Bính tại Việt Nam với mong muốn mọi người cùng nhận ra thế giới luôn kỳ lạ, rất thương yêu và mới mẻ. “Du & Dội” là một cơ hội hiếm hoi để người yêu hội họa chiêm ngưỡng gia tài hội họa đồ sộ của “kỳ nhân”. Chính vì vậy, Ban tổ chức đã kéo thời gian trưng bày các tác phẩm của ông xuyên qua hai năm.

Hoạ sỹ Ngô Xuân Bính theo đuổi sơn mài và đã tạo bước đột phá trên chất liệu truyền thống. Không chỉ kế thừa lối vẽ “Âm”, ông mạnh dạn kết hợp lối vẽ của phương Tây, diễn tả trực tiếp cảm xúc, màu sắc, đường nét bằng cách vẽ đắp vào, bôi vào… tạo thành lối vẽ “Dương”. Sự kết hợp này vừa khiến lối vẽ “Âm” thêm lung linh, bí ẩn những lớp màu với chiều sâu ẩn hiện vừa giúp cho cách vẽ “Dương” thêm mạnh mẽ, tươi sáng, màu sắc như được dồn nén, tạo sự hài hòa.

Trong triển lãm “Niệm” của họa sỹ Ngô Xuân Bính kết hợp với các họa sỹ Lê Văn Thìn, Đặng Tin Tưởng, nghệ nhân Đào Trọng Cường tại Bảo tàng Hà Nội, nghệ thuật sáng tạo từ “tâm” và “thức” đã được ông đẩy lên cao trào, nét chung ở các tác phẩm là sự hướng thiện thể hiện trong những nét vẽ miên man, huyền diệu, trào dâng cảm hứng vô thức. Ở đó, những bức tranh mang đầy sự trắc ẩn giữa tâm và thức, để rồi cuộc đấu tranh giữa tâm và vọng thức trở nên khốc liệt qua từng nét lột tả của người họa sỹ, truyền tải thông điệp: Tâm thường hằng không sinh diệt, còn thức là vọng tưởng vô thường, luôn biến đổi, khi tốt khi xấu.

Họa sĩ Ngô Xuân Bính chia sẻ tại buổi họp báo Niệm

Đọc lời bạch của ông trước ngày diễn ra triển lãm “Niệm”, hẳn mọi người càng ngạc nhiên và tin vào những điều rất lạ ở ông: “Bằng xương, bằng thịt – hình hài hồng hiện: Tự sướng, tự khoái… Máu chảy rần rật, miên man huyền diệu – Dốc nguồn sinh lực, cảm hứng tứ phương. Du ẩn, du hiện… Giăng giăng ý tưởng, tinh thần vừng lửa: Mềm trong gió, hồng trong nắng, bền thời gian… Vạn tay, vạn mùa tâm đức, háo hức vững bền, khỏa ước dòng chảy, vô vàn yêu thương. Dẫu quang lực truyền cảm thị giác nhiều khi không đồng pha với ý niệm…”.

Nếu ở “Du & Dội”, sự rung cảm về nguồn cơn được tạo ra trên mỗi bức tranh phát nghĩa từ các mảng màu sắc vô định hình, hoặc không cả ý nghĩa, nhảy vào tranh ông chỉ do chúng gọi nhau, màu gọi màu, nét gọi nét, suy tưởng gọi suy tưởng, tề tựu, thậm chí chỉ là cách ông tổng lực tống ra năng lượng lúc bị dồn nén….

Sang tới “Niệm” con sông bớt cuồng nộ đang tiến xuống đồng bằng vừa nhận và cho đôi bờ phù sa của nó. Không gian Bắc Bộ thấm bảng lảng vào những mảng son thắm, son trai, hoàng thổ, then đen, trắng ngà, hay bất giác vụt xanh óng ả… Trong nhiều bức sơn mài của ông. Năng lượng lần này cô đọng hơn, nén trong cách ông lập hình run rẩy, dữ dội và ma mị. Chùa, đình, đền, miếu… Hình ảnh các không gian tâm linh, nhưng nghi lễ cổ sơ của người Việt dường như thấp thoáng ẩn hiện trên đôi bờ con sông đang về với đồng bằng. Họa sỹ Ngô Xuân Bính quẫy mình trong con sông nghệ thuật của ông, con sông của tự ông xông phá tìm đường chảy cho nó. Con sông căng đầy năng lượng và sung mãn những hứa hẹn lớn lao…

Leave a comment