Ngô Xuân Bính – Chạm đến cảm xúc

Dưới bề mặt trong suốt, nét vàng, bạc như lấp lánh mời gọi, những nếp răn đa chiều như thách thức, những nét khoáng đạt của tay bút động cựa – bình ổn và thanh bằng.

Trên vô số mặt tranh, cảm xúc như tuôn trào, bừng sáng hiện ra một họa sĩ Ngô Xuân Bính đầy ắp năng lượng sáng tạo. Và rất có thể từ ông, chất liệu sơn mài Việt sẽ tỏa sáng bền vững trong tương lai.

Theo chân những người bạn vong niên đến xưởng của ông trong một ngày trái đông se lạnh. Sự ấm áp như lan tỏa đầy phấn khích qua những câu chuyện nghệ thuật tuôn chảy, ông thao kỳ bất tuyệt và những vị khách thì không muốn rời. Lúc đấy, tôi vẫn hầu như không biết nhiều về ông, mặc dầu trước đó ít lâu, Khoa Lý Luận, lịch sử và phê bình mỹ thuật của trường Mỹ thuật kỷ niệm 40 năm thành lập, chúng tôi từng nghe ai đó nói, sau Nguyễn Quân, Phan Cẩm Thượng thì niềm tự hào của Khoa chắc phải nhắc đến nhân vật xuất chúng Ngô Xuân Bính. Nhưng có lẽ cái sự vô định đó lại đủ hay để tôi có thể tiếp cận với nghệ thuật của ông mộc mạc, giản dị hơn.

Tranh sơn mài trong một triển lãm của Họa sĩ Ngô Xuân Bính gây chú ý với người xem

Tôi không mấy choáng ngợp với xưởng vẽ khổng lồ, với hàng trăm bức tranh bày la liệt của ông, nhưng cảm nhận thích thú ập đến bởi thứ ánh sáng ẩn như hiện dưới lớp nhựa trong suốt biến ảo lạ kỳ. Những ô màu đa lớp, đa tầng, đồng hiện, uyển chuyển tung hứng ma mị với logic chặt chẽ giàu cảm xúc. Chúng như những bản nhạc giao hưởng gấp gáp với những tiết tấu biến đổi đa dạng, bừng soi nội tâm đa cảm, vị nhân sáng thế ca ngợi con người.

Rồi nhịp cảm xúc của ông như tuôn trào trên những tác phẩm khỏa thân. Đó là những người đàn bà không hề đẹp theo nghĩa thông thường, nhưng trọng trách thiên phú về sự sinh nở đã khiến họ trở nên rực rỡ đầy chất phồn thực với cặp mông quá cỡ, đôi vú căn tràn, và chiếc bụng bầu tròn trịa… tất cả đều tưng bừng nhảy múa trong sự hân hoan dâng tràn, nỗi thăng hoa bất tận trong cái lung linh của chất liệu phương Đông và cái cuồng loạn cho phép của lối hành bút phương Tây. Bất giác, tôi sung sướng lóe cười; Bởi ý nghĩ “thật khéo họa”.

Khó có thể nói sơn mài – chất liệu ông đang sử dụng để “chơi” là truyền thống hay không truyền thống, chạm đến truyền thống hay hoàn toàn đương đại. Vì tất cả những định danh đó khó có thể gói ghém câu chuyện cũng như chủ pháp của người họa sĩ đa tài vào trong đó. Chất liệu ấy, cách làm ấy vừa đầy ắp tinh thần truyền thống nhưng lại vượt ngoài khuôn khổ truyền thống theo khái niệm thông thường.

Với ông vật liệu và mặt nền để vẽ chỉ là phương tiện, là nguyên liệu sáng tạo để chuyển tải niềm đam mê nội tại và hàm hướng tương lai. Nhưng đồng thời vật liệu ấy cũng phản ánh được thời đại, ứng dụng được những thành tựu khoa học mới nhất, để tạo dựng nên sự bền vững về thời gian, để lưu giữ cái vẻ lung linh có được từ khi tác phẩm ra đời cho đến mãi về sau.

Họa sĩ Ngô Xuân Bính trong một triển lãm của chính mình

Là bác học đầu ngành của thế giới về lĩnh vực châm cứu xác định huyệt đạo bởi sơ đồ hình học; Người đưa ra chủ thuyết tất cả các đường kinh lạc trên cơ thể của con người đều thay đổi theo thể bệnh, nên huyệt đạo nằm trên đường kinh cũng thường xuyên dịch chuyển. Ông là người xây dựng phác đồ và bảo vệ 114 công trình chuyên biệt chữa bệnh dựa trên các lộ huyệt dịch chuyển tương hợp, tương tác định vị trên giàn ăng ten biểu thức biến đổi đồng pha. Trong quỹ thời gian cống hiến hạn hẹp đó, hễ có điều kiện là ông lao vào vẽ “như điên” cũng như nghiên cứu “như điên” để tìm ra những phương thức có giá trị hữu dụng cho nghệ thuật của mình và cho tương lai.

Vẫn là sơn, là vóc, là mài, là phủ, là tổng hợp của các vật liệu gắn kết trong khả năng có thể, Ngô Xuân Bính và họa sĩ Lê Văn Thìn người thầy của ông, đã chính thức thay đổi vật liệu cho sơn mài để đạt đến truyền thống và đương đại. Vóc gỗ được thay hoàn toàn bằng vật liệu nhựa có khả năng chịu được các điều kiện cao của thời tiết, giảm cong vênh, giảm biến đổi và thực sự bền vững qua hàng loạt thí nghiệm khắt khe mới được ông đưa vào sử dụng. Đây có thể xem là một trong những đóng góp không nhỏ của ông cho nghệ thuật sơn mài.

Đi từ các thái cực nghệ thuật biểu hiện đến trừu tượng, nhưng người ta vẫn dễ dàng nhận thấy sự cộm dày của tài nhân có kiến văn truyền thống Việt trong những tác phẩm của ông. Đó là tinh thần Đông Sơn hàng nghìn năm trước; Gốm thô của vùng đồng bằng Bắc bộ và Nam bộ; Chạm lộng, trên những bức phù điêu đình làng… Tất cả được mã hóa trong những cảm xúc cá nhân ở những thời khắc khác nhau, giữa những dòng chảy khác nhau trong khối lượng công việc đồ sộ của người vừa làm khoa học, vừa làm nghệ thuật.

Có thể nói sơn mài của Ngô Xuân Bính là sự bứt phá ngoạn mục của tinh thần Việt, mà thành tựu ông gây dựng hôm nay rất có thể sẽ chắp cánh cho sơn mài Việt Nam trong tương lai, như ông đã từng chắp cánh cho võ Nhất Nam ra thế giới.

Trang Thanh Hiền

Leave a comment